Tin tức

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư: Chú ý 4 lầm tưởng nguy hiểm!

  • Cập nhật : 2020-03-10 14:32:48
  • lượt xem : 650

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư cũng có rất nhiều luồng thông tin trái chiều gây hoang mang cho rất nhiều bệnh nhân. Khi truyền thông trở thành con dao hai lưỡi, tất cả thông tin không còn được kiểm chứng và đưa đến với mọi người một cách chính xác nhất. 

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư cũng có rất nhiều luồng thông tin trái chiều gây hoang mang cho rất nhiều bệnh nhân. Khi truyền thông trở thành con dao hai lưỡi, tất cả thông tin không còn được kiểm chứng và đưa đến với mọi người một cách chính xác nhất.

Dưới đây chính là lúc chúng ta cần biết chọn lọc và có kiến thức hơn về việc tiếp nhận nguồn thông tin.

Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư được coi là một trong những vấn đề cốt lõi để giúp người bệnh vượt qua căn bệnh quái ác. Vậy mà còn rất nhiều bệnh nhân vẫn đang mắc phải những sai lầm không đáng có, chỉ từ những câu truyền miệng, những mẹo mách nhau.

Sai Lầm Trong Dinh Dưỡng Cho Bệnh Nhân Ung Thư

1.Thực dưỡng có thể chiến thắng tất cả

Ăn thực dưỡng chỉ gạo lứt và muối mè không thần kỳ như mọi bệnh nhân vẫn mách nhau, nghiên cứu khoa học không chứng minh bất kỳ chế độ ăn nào có thể chữa khỏi ung thư

Tiến sĩ Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết “Thực dưỡng cũng như các chế độ ăn khác (ăn chay, lowcarb…) chỉ tốt cho một số người về mặt sức khỏe hay có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh, chứ không như truyền miệng là chữa bách bệnh, trong đó có ung thư”.

Ông cũng cho hay mọi người thường nhắc nhiều tới thực đơn số 7 nghĩa là chỉ ăn các loại ngũ cốc nguyên vỏ mềm. Các loại hạt này có chứa các chất đạm, chất béo, nhiều omega…

Nhưng là một chế độ ăn không đa dạng dễ gây ra tình trạng thiếu chất. Người chỉ ăn muối mè, gạo lứt theo thực dưỡng thường dễ dẫn tới tình trạng mệt mỏi, da xanh nhợt nhạt do thiếu sắt và vi khoáng.

Ngoài ra, PGS. TS. Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho rằng:

"Phương pháp thực dưỡng cũng như một hình thức ăn chay. Tuy nhiên, chế độ ăn chưa bao giờ được thiết kế nghiên cứu như một phương pháp điều trị đặc hiệu ung thư. Do vậy, lựa chọn chế độ ăn nào đó và coi là phương pháp điều trị ung thư là chưa đủ cơ sở khoa học và dĩ nhiên sẽ khó mang lại hiệu quả”.

Các bệnh nhân không hề biết rằng các tế bào ung thư phát triển ngoài tầm kiểm soát của cơ thể nên nó không phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng, nó chỉ phụ thuộc vào các chế độ điều trị đặc hiệu bệnh ung thư như phẫu thuật, tia xạ hoặc hóa chất… Một số bệnh nhân kiêng ăn toàn diện mà chuyển sang ăn gạo lứt rất kém dinh dưỡng và sẽ không mang lại đủ chất để nuôi dưỡng cơ thể.

Xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, trong và sau quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư là một điều hợp lý giúp tăng cường thể lực cho bệnh nhân. Ăn uống đầy đủ dưỡng chất và đúng giờ giúp bệnh nhân giảm thiểu những bất lợi do tác dụng phụ của thuốc và bệnh nhân có cảm giác sống khỏe hơn.

Tinh bột trong gạo lứt rất tốt cho bệnh nhân ung thư nhưng đó chỉ là một trong số những chất dinh dưỡng cần thiết chứ không phải là nguồn dinh đưỡng duy nhất để nuôi dưỡng và “giết chết khối u”.

2. Không ăn thịt để giết chết khối u

Việc truyền miệng “Không ăn thịt để giết chết khối u” là hoàn toàn sai lầm, không có nghiên cứu khoa học xác minh:

“Quan niệm sai lầm phổ biến trong chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư mà hầu hết bệnh nhân thắc mắc và thậm chí không nghe lời khuyên của thầy thuốc là kiêng ăn ở nhiều mức độ khác nhau, nhất là ăn thịt, rau, thậm chí quan niệm thịt, rau có màu đỏ là kiêng tuyệt đối vì ăn nhiều kích thích ung thư phát triển nhanh hoặc kiêng ăn thịt gà, trứng vịt lộn, rau dền, cà rốt…” – Bác Sĩ Đoàn Lực (Bệnh Viện K Hà Nội).

Các bệnh nhân Ung thư thường mách nhau “Để cho nó chết đói!” và không ít người có suy nghĩ cho rằng việc việc ăn nhiều sẽ khiến những chất dinh dưỡng được đưa vào cơ thể đi nuôi dưỡng những tế bào ung thư khiến chúng phát triển nhanh hơn.

Chính vì vậy để hạn chế sự phát triển của những khối u này thì cần cắt giảm đến mức tối đa hàm lượng chất dinh dưỡng được đưa vào cơ thể. Nhiều người đã lựa chọn phương pháp đó là thiết lập một thực đơn ăn kiêng vô cùng khắt khe thậm chí nhịn ăn để không cho khối u sinh trưởng.

Tại tọa đàm về dinh dưỡng cho người bệnh ung thư, PGS. TS. Lê Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện K Trung ương cho rằng:

“Quan điểm về chế độ ăn nghèo nàn không thịt động vật sẽ giúp hạn chế sự phát triển của các khối u là hoàn toàn sai lầm. Bởi dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư hết sức quan trọng, nó đóng góp rất nhiều vào tiến trình điều trị và thành công trong điều trị. Thậm chí, nếu kiêng quá, người bệnh có thể sẽ chết vì đói, vì suy kiệt sức khỏe trước khi chết vì ung thư.”

Sự thật, trên thực tế những bệnh nhân mắc ung thư luôn cần rất nhiều năng lượng, chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng cơ thể và để cân bằng những hoạt động hàng ngày của cơ thể. Nếu chúng ta không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể sẽ gây ra hiện tượng suy nhược, mệt mỏi và có thể không đáp ứng đủ điều kiện để tiếp tục phác đồ điều trị.

Hơn thế, đạm có vai trò rất quan trọng trong việc giúp tăng trưởng cũng như sửa chữa các tổn thương mô của cơ thể. Chất đạm còn giúp cho hệ miễn dịch được khỏe mạnh bởi vậy với bệnh nhân ung thư, đạm còn cần thiết hơn rất nhiều. Chất đạm sẽ giúp vết thương của bệnh nhân mau lành và tăng khả năng chống nhiễm khuẩn sau mỗi liệu trình điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị.

Việc ăn nhiều thịt sẽ cung cấp cho cơ thể các loại acid amin thiết yếu. Để đảm bảo cung cấp đủ các loại acid amin cần ăn đa dạng các loại thực phẩm, khẩu phần ăn phải cân đối giữa protein động vật và thực vật. Các loại thịt màu trắng như thịt gia cầm sẽ có lợi hơn cho sức khoẻ.

Cơ thể cũng cần bổ sung thêm các nguồn sắt, kẽm…từ các loại thịt có màu đỏ như thịt lợn nạc, thịt bò… Các loại tôm, cua, cá, nhuyễn thể và hải sản cũng là nguồn cung cấp các acid amin và vi chất dinh dưỡng quý giá cho cơ thể.

3. Bổi bổ một cách quá mức.

Một trường phái kiêng tất cả, để cho khối u chết đói đã hoàn toàn phản khoa học. Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều người lại cho rằng phải bồi bổ tối đa, càng nhiều càng tốt cho bệnh nhân ung thư cũng không phải là điều nên làm. Việc bồi bổ cho bệnh nhân ung thư là hoàn toàn cần thiết, nhưng không phải ai cũng nắm rõ bồi bổ như thế nào là đủ, là khoa học, là tốt nhất cho sức khỏe của bệnh nhân.

Việc ăn quá nhiều và nạp quá nhiều so với nhu cầu dinh dưỡng cần thiết sẽ làm cho các bộ phận trong cơ thể của bệnh nhân như gan, dạ dày, tụy,… phải làm việc quá mức, gây nên hậu quả nghiêm trọng hơn cho bệnh nhân. Vì thế, việc cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư cần đảm bảo đủ 3 yếu tố “ Vừa đủ – Đủ chất – Khoa học “.

4. Mọi bệnh nhân đều áp dụng một khẩu phần ăn giống nhau.

Mỗi bệnh nhân sẽ có mỗi một thể trạng khác nhau. Mức độ hấp thụ cũng như khả năng tiêu hóa của bệnh nhân cũng khác nhau. Bởi thế một khẩu phần ăn giống nhau không thể áp dụng được cho tất cả bệnh nhân. Một khuôn mẫu, ép buộc là điều không nên.

Đặc điểm chung của tất cả các bệnh nhân ung thư đều là cơ thể mệt mỏi, chán ăn, khó tiêu, tuy nhiên số lượng thức ăn mỗi cơ thể cần thiết lại khác nhau. Mọi người cần chú ý chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để giúp bệnh nhân dễ hấp thụ chất dinh dưỡng hơn.

Để bệnh nhân ung thư không còn bị hoang mang giữa những thông tin nhiều chiều, hãy tìm những nguồn thông tin chính thống, hãy tôn trọng khoa học, hãy nghe những lời khuyên từ các chuyên gia đầu ngành. Hãy đủ thông minh để vượt qua căn bệnh quái ác này bởi chiến đấu với Ung thư là cả một quá trình.